ĐỪNG QUÁ LO LẮNG VỚI GIÁ DẦU

ĐỪNG QUÁ LO LẮNG VỚI GIÁ DẦU

ĐỪNG QUÁ LO LẮNG VỚI GIÁ DẦU

Trong lúc các tác động tiêu cực của việc giá dầu giảm mạnh tới nguồn thu ngân sách được nhìn nhận là không quá lo ngại, xu hướng giảm giá lại đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhiều ngành hàng và doanh nghiệp trong nước tiết giảm chi phí sản xuất đầu vào.

DỰ BÁO THỊ TRƯỜNG SƠN VIỆT NAM 2018 TĂNG MẠNH THEO NHU CẦU XÂY DỰNG ĐÔ THỊ
KIM NGẠCH XUẤT KHẨU NHỰA DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG 12-15%
THỊ PHẦN XUẤT KHẨU CAO SU SANG TRUNG QUỐC CỦA VIỆT NAM GIẢM MẠNH
NGÀNH SƠN VÀ MỰC IN CÓ MỨC TĂNG TRƯỞNG NHANH
SẮP CÓ SÀN GIAO DỊCH NHỰA

 

Trong lúc các tác động tiêu cực của việc giá dầu giảm mạnh tới nguồn thu ngân sách được nhìn nhận là không quá lo ngại, xu hướng giảm giá lại đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhiều ngành hàng và doanh nghiệp trong nước tiết giảm chi phí sản xuất đầu vào. Qua đó, nó trực tiếp giảm giá cả hàng hóa trên thị trường và giúp kích thích tiêu dùng trong nước hồi phục sau các tác động nặng nề của dịch COVID-19.

Sụt giảm lợi nhuận được dự báo từ sớm

Giao dịch trở lại trong ngày đầu tuần (4.5), giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục chứng kiến xu hướng điều chỉnh giảm mạnh đối với cả hai loại dầu WTI và Brent. Các hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 theo đó mất tới 7,74%, giảm 1,53 USD xuống còn còn 18,25 USD/thùng. Hợp đồng giao tháng 7 cũng giảm 1,3 USD xuống còn còn 20,99 USD/thùng. Hợp đồng giao tháng 8 cũng giảm 1,1 USD, xuống mức mức 23,1 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 7 cũng mất tới 3,21%, tương đương mức giảm 0,81 USD xuống còn 25,57 USD/thùng. Hợp đồng giao tháng 8 thậm chí giảm 0,89 USD, chỉ còn 27,18 USD/thùng.

Diễn biến giảm mạnh của giá dầu thế giới không chỉ khiến doanh thu của nhiều công ty dầu mỏ lớn trên thế giới suy giảm nặng nề mà còn tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí trong nước. Các báo cáo tài chính trong quý I/2020 cho thấy, nhiều doanh nghiệp đồng loạt báo lỗ như Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn lỗ ròng 2.348 tỉ đồng, hay PV Oil cũng lỗ ròng 538 tỉ đồng. Thậm chí, trong suốt cả năm 2020 với kịch bản sáng sủa hơn khi giá dầu thô được giao dịch quanh ngưỡng 60 USD/thùng, PV Oil vẫn dự kiến doanh thu sẽ giảm 35% còn 52.200 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế tương ứng sẽ chỉ đạt 376 tỉ đồng. Với mức giá dầu giảm mạnh xuống chỉ còn non nửa so với mức dự kiến 60 USD/thùng như hiện nay, kết quả kinh doanh thực tế của PV Oil nhiều khả năng sẽ không thể đạt được như kịch bản trên đây. Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành kinh doanh xăng dầu là Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP (Thalexim) cũng ghi nhận khoản lỗ 67 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm 2020.

Ngay với một ông lớn như Petrolimex, giá dầu giảm mạnh và nhu cầu sử dụng xăng dầu sụt giảm trong quý I/2020 khiến doanh thu của đơn vị này cũng giảm rất mạnh trong 3 tháng đầu năm. Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2020 vừa được doanh nghiệp này công bố cho thấy, con số doanh thu trong kỳ giảm gần 3.500 tỉ đồng xuống 38.500 tỉ đồng. Điều đáng nói là do phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 1.600 tỉ đồng trong khi cùng kỳ lại được hoàn nhập hơn 500 tỉ đồng nên giá vốn hàng bán của Petrolimex không có nhiều biến động so với quý I/2019. Các dữ liệu này khiến lãi gộp của Petrolimex sụt giảm tới 88% xuống chỉ còn 450 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ đi các chi phi phí, Petrolimex ghi nhận lỗ trước thuế tới 1.700 tỉ đồng, trái ngược với kết quả lãi gần 1.600 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm 2019.

Ngân sách chịu tác động không lớn

Các tác động kép từ việc giá dầu lao đốc và nhu cầu sử dụng xăng dầu giảm mạnh tới lợi nhuận của các doanh nghiệp xăng dầu trong bối cảnh cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 là viễn cảnh được dự báo từ sớm. Hơn nữa, do dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 được xây dựng trên giá dầu dự báo là khoảng 60 USD/thùng nên việc giá dầu giảm mạnh như hiện nay chắc chắn sẽ tác động làm giảm nguồn thu.

Nhưng theo phân tích của Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) Võ Thành Hưng, số thu từ dầu thô trong những năm gần đây hiện chỉ chiếm chưa đến 3% tổng thu ngân sách nên tác động từ việc giảm giá dầu là không quá lớn đến nguồn thu ngân sách. Hơn nữa theo số liệu từ Bộ Tài chính, số thu ngân sách từ dầu thô trong quý I/2020 vẫn đạt xấp xỉ 14.600 tỉ đồng, bằng 41,4% dự toán và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2019. Số thu trong kỳ vẫn tăng trong bối cảnh giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh là do độ trễ trong hoạt động thanh toán, trong đó giá dầu thanh toán bình quân của Việt Nam từ đầu năm đến hết tháng 3 vẫn ở mức 65 USD/thùng, cao hơn 5 USD/thùng so với giá dự toán với sản lượng ước đạt 2,8 triệu tấn, bằng 26,8% kế hoạch.

Đừng quá lo lắng với giá dầu

Đừng quá lo lắng với giá dầu

Các chuyên gia phân tích của Yuanta Securities Vietnam (YSV) thông tin, từ năm 2009 tới nay, tỉ trọng nguồn thu từ dầu thô trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước liên tục giảm mạnh từ mức 13% giai đoạn 2009-2014 xuống còn 4,7% giai đoạn 2015-2019. Dự toán trong năm 2020, thu ngân sách từ dầu thô ở mức 35,2 nghìn tỉ đồng và chỉ chiếm khoảng 2,3% tổng thu ngân sách. “Chúng tôi cho rằng, việc giá dầu giảm sẽ có ảnh hưởng không quá lớn đối với số thu ngân sách của Chính phủ từ dầu thô trong năm 2020” - YSV đánh giá.

Ngược lại theo phân tích của YSV, việc giá dầu thô giảm sẽ có tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn, xuất phát từ thực tế hoạt động xuất/nhập khẩu dầu thô của các doanh nghiệp trong nước. Cụ thể dù có hoạt động khai thác dầu thô, hàng năm lượng dầu nhập khẩu của Việt Nam vẫn cao hơn so với xuất khẩu. Riêng 3 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu dầu thô ước đạt 1,2 triệu tấn trong khi lượng nhập khẩu đạt 1,85 triệu tấn. Chính vì vậy, việc giá dầu giảm sẽ giúp Việt Nam giảm chi phí nhập khẩu xăng dầu, qua đó cũng sẽ tiết kiệm được một lượng ngoại tệ đáng kể.

Cơ hội khởi sắc cho nhiều nhóm ngành

Thay vì quá lo lắng vì nguy cơ sụt giảm nguồn thu ngân sách, nhiều tổ chức đầu tư và giới chuyên gia cho rằng, có một điểm quan trọng hơn hết với Việt Nam là việc giảm giá dầu sẽ giúp giảm chi phí sản xuất đầu vào đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước, giúp giảm giá thành sản xuất và nhờ đó giá cả hàng hóa có cơ hội giảm, giúp kích thích tiêu dùng trong nước.

Với các nhóm ngành cụ thể, các chuyên gia phân tích của YSN cho rằng, các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp sản xuất cao su, nhựa, phân bón, sản xuất và chế biến thủy sản và các doanh nghiệp nhiệt điện khí, sản xuất săm lốp sẽ có nhiều điều kiện giảm giá thành sản phẩm nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng hồi phục trở lại sau các tác động của COVID-19. Như với các doanh nghiệp sản xuất nhựa, nguyên liệu nhựa hiện chiếm khoảng 60% trong cơ cấu chi phí của các công ty sản xuất ống nhựa và bao bì nhựa. Giá dầu giảm theo đó sẽ kéo theo giá hạt nhựa giảm và giúp cho các doanh nghiệp này cải thiện biên lợi nhuận gộp. Trong khi đó, với các doanh nghiệp vận tải, hiển nhiên khi chi phí nhiên liệu thường chiếm khoảng 20% chi phí giá vốn, việc giá xăng dầu giảm sẽ làm tăng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp. Chưa tính với nhiều doanh nghiệp khác, chi phí nhiên liệu là dầu DO thường chiếm 50% chi phí hoạt động và có tác động rất lớn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Hay với các doanh nghiệp hàng không, chi phí nhiên liệu cũng chiếm trung bình khoảng 40% tổng chi phí.

“Khi giá dầu giảm, các yếu tố đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh cũng giảm theo khiến giá cả hàng hóa trở nên rẻ hơn. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài và việc kiểm soát không khả quan, việc giá xăng dầu giảm cũng không có tác động nhiều vì hoạt động sản xuất diễn ra yếu. Điểm tích cực là hiện tại dịch bệnh ở nước ta hiện đang kiểm soát khá tốt, đây là cơ hội có các doanh nghiệp tận dụng nguồn chi phí sản xuất giá rẻ” - YSN đánh giá.

Kiểm soát lạm phát tốt hơn nhờ giá xăng dầu giảm

Việc giá xăng dầu giảm mạnh trong thời gian qua được đánh giá là yếu tố tích cực giúp cho việc kiềm chế lạm phát trở nên dễ dàng hơn. Theo YSN, hiện tại ngành giao thông chiếm khoảng 9,4% trong tỉ trọng CPI, giá dầu giảm sẽ trực tiếp làm giảm CPI của ngành giao thông và ít nhiều sẽ gián tiếp giảm CPI của các ngành khác. Việc giá dầu liên tục giảm trong tháng (-2,6%) giúp CPI tháng 3 chỉ tăng mức 2,95%. Với diễn biến tình hình giá dầu như hiện nay sẽ giúp cho việc kiểm soát lạm phát tốt hơn.

---Theo laodong.vn ngày 10/05/2020---

>>Xem ngay các lọai hóa chất công nghiệp tốt nhất trên thị trường hiện nay <<

Mọi thông tin vui lòng liên hệ:

Ban Biên tập Mega Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 2-A2-IA20, KĐT Nam Thăng Long, đường Phạm Văn Đồng,

P.Đông Ngạc, Q. Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội, Việt Nam.

Email: contact@megavietnam.vn

Tel: (+84) 24 375 89089; Fax: (+84) 24 375 89098

Website: megavietnam.vn

Hotline: 1800.577.728; Zalo: 0971.023.523