HÀNG HÓA VIỆT NAM GIA CÔNG SẼ ĐƯỢC XUẤT KHẨU ĐẾN NƯỚC NÀO?
(VnMedia) – Theo Tổng cục Thống kê, hầu hết sản phẩm sau khi Việt Nam gia công, lắp ráp được xuất khẩu trở lại cho nước đặt gia công hoặc xuất khẩu cho nước khác theo chỉ định của nước đặt gia công.
KIM NGẠCH XUẤT KHẨU NHỰA DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG 12-15%
THỊ PHẦN XUẤT KHẨU CAO SU SANG TRUNG QUỐC CỦA VIỆT NAM GIẢM MẠNH
NGÀNH SƠN VÀ MỰC IN CÓ MỨC TĂNG TRƯỞNG NHANH
SẮP CÓ SÀN GIAO DỊCH NHỰA
Trong cuộc Tổng điều tra kinh tế 2017, Tổng cục Thống kê đã tổ chức thu thập thông tin về hoạt động gia công hàng hóa với nước ngoài của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo về các nhóm hàng: Dệt may; Giầy dép; Điện tử máy tính; Điện thoại và Hàng hóa khác.
Tổng phí gia công các doanh nghiệp Việt Nam thu được từ hoạt động nhận gia công, lắp ráp hàng hóa cho nước ngoài năm 2016 đạt 8,6 tỷ USD. Trong đó, phí gia công của hàng dệt may và giầy dép chiếm trọng số lớn nhất trong hoạt động gia công, lắp ráp hàng hóa cho nước ngoài. Nhóm hàng dệt may đứng đầu với số ngoại tệ thu về 4,1 tỷ USD, chiếm 48% tổng phí gia công; Giầy dép 2,7 tỷ USD, chiếm 32% tổng phí gia công; lắp ráp điện thoại 268 triệu USD, chiếm 3,1%; Lắp ráp điện tử máy tính 63 triệu USD, chiếm 0,7% và gia công hàng hóa khác thu được 1,4 tỷ USD, chiếm 16,2%.
Cũng theo kết quả Tổng điều tra kinh tế 2017, tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho quá trình gia công, lắp ráp đạt 20,2 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước; kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sau gia công, lắp ráp đạt 32,4 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Trong đó, các doanh nghiệp FDI chiếm trọng số lớn nhất với giá trị hàng hóa sau gia công đạt 25,6 tỷ USD, chiếm tới 78,9% tổng giá trị hàng hóa sau gia công, cùng với đó nguyên liệu nhập khẩu cho gia công của các doanh nghiệp FDI là 16,3 tỷ USD, chiếm 80,5% tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, hoạt động gia công hàng hóa với nguyên liệu đầu vào do đối tác nước ngoài cung cấp và sở hữu nên tỷ lệ giá trị nguyên liệu nhập khẩu về để gia công, lắp ráp so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công ở mức khá cao 62,3%.
Trong đó, tỷ lệ này cao nhất ở nhóm hàng Điện thoại với 78,9%, nhóm hàng Điện tử máy tính 76,4%, nhóm Dệt may 67,1%, nhóm Giầy dép 47% và nhóm hàng hóa khác là 74,7%. Số liệu cho thấy, với nhóm hàng Điện thoại và Điện tử máy tính gần như doanh nghiệp Việt Nam chỉ thu được phí gia công, lắp ráp do nước ngoài trả mà không cung cấp nguyên liệu phụ trợ sản xuất trong nước cho hoạt động gia công đối với 2 nhóm hàng này. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở nhóm hàng Dệt may và Giầy dép thấp hơn cho thấy ngoài nguyên liệu nhập khẩu từ nước thuê gia công, doanh nghiệp Việt Nam có cung cấp thêm nguyên liệu đầu vào sản xuất trong nước phục vụ cho quá trình gia công.
Với nhóm hàng dệt may và giầy dép ngoài khoản thu về phí gia công doanh nghiệp Việt Nam còn thu được một khoản ngoại tệ từ việc cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ quá trình gia công, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa đối với nhóm hàng dệt may và giầy dép.
Các đối tác chính đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam gia công, lắp ráp hàng hóa trong năm 2016 gồm 5 quốc gia và vùng lãnh thổ: Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Thông tin Tổng cục Thống kê cũng cho biết, hầu hết sản phẩm sau khi gia công, lắp ráp được xuất khẩu trở lại cho nước đặt gia công hoặc xuất khẩu cho nước khác theo chỉ định của nước đặt gia công. Trị giá hàng hóa sau gia công, lắp ráp bán tại Việt Nam so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công thấp với 3,9%, trong đó thấp nhất là điện thoại và dệt may, tỷ lệ được để lại tiêu thụ tại Việt Nam tương ứng là 0,2% và 1%.
Như vậy, trong năm 2016 hoạt động gia công hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam đã mang lại nguồn thu ngoại tệ cho nền kinh tế với 8,6 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động.
Liên quan đến việc thuê nước ngoài gia công, lắp ráp hàng hóa, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong năm 2016, tổng số phí các doanh nghiệp Việt Nam trả cho đối tác nước ngoài về thực hiện hoạt động gia công, lắp ráp là 8,2 triệu USD. Trong đó, nhóm hàng điện tử máy tính đạt 6 triệu USD, chiếm 72,5% tổng số phí trả cho đối tác nước ngoài; dệt may 0,5 triệu USD, chiếm 6,3% và nhóm hàng khác 1,7 triệu USD, chiếm 21%.
Phí gia công các doanh nghiệp Việt Nam trả cho đối tác nước ngoài so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công ở mức khá cao với 56,2%. Như vậy, ngoài phí gia công trả cho nước ngoài các doanh nghiệp Việt Nam còn phải trả thêm chi phí cho việc mua nguyên liệu, linh kiện phục vụ cho quá trình gia công, lắp ráp.
Các đối tác thực hiện gia công, lắp ráp hàng hóa cho Việt Nam chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Mọi thông tin vui lòng liên hệ:
Ban Biên tập Mega Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 2-A2-IA20, KĐT Nam Thăng Long, đường Phạm Văn Đồng,
P.Đông Ngạc, Q. Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội, Việt Nam.
Email: contact@megavietnam.vn
Tel: (+84) 24 375 89089; Fax: (+84) 24 375 89098
Website: megavietnam.vn
Hotline: 1800.577.728; Zalo: 0971.023.523