NĂM 2019, GIÁ CAO SU VẪN BIẾN ĐỘNG KHÓ LƯỜNG
Trong năm tới, dự báo giá cao su thiên nhiên sẽ biến động lên xuống liên tục. Trong đó, ở giai đoạn “đình chiến” 90 ngày trong xung đột thương mại Mỹ - Trung, giá cao su sẽ có cơ hội đi lên nhờ sự ổn định của đồng USD.
KIM NGẠCH XUẤT KHẨU NHỰA DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG 12-15%
THỊ PHẦN XUẤT KHẨU CAO SU SANG TRUNG QUỐC CỦA VIỆT NAM GIẢM MẠNH
NGÀNH SƠN VÀ MỰC IN CÓ MỨC TĂNG TRƯỞNG NHANH
SẮP CÓ SÀN GIAO DỊCH NHỰA
Nhận định trên được ông Dar Wong, Cố vấn trưởng về chiến lược, Công ty Brain Partners & Management, đưa ra tại hội thảo “Kế hoạch hành động vì ngành cao su bền vững và dự báo giá năm 2019” do Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) tổ chức tại TPHCM chiều 7/12.
Ông Dar Wong cũng đánh giá, giá dầu là một trong những yếu tố có tác động đáng kể tới giá cao su trong năm tới. Nếu giá dầu đi lên, giá cao su sẽ có cơ hội tăng lên. Trong dài hạn (từ 3 đến 10 năm tới), nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu sẽ tăng lên, từ đó hỗ trợ tích cực cho giá cao su. Theo đó, giá sẽ không tăng quá cao, nhưng ở mức chấp nhận được.
Từ năm 2012 đến nay, ngành cao su thiên nhiên Việt Nam và thế giới gặp rất nhiều khó khăn do giá liên tục giảm mạnh. Giá cao su thiên nhiên bình quân trong tháng 11/2018 tiếp tục nối dài thêm chuỗi giảm giá kể từ đầu năm. Thị trường cao su đối mặt với hàng loạt yếu tố không thuận lợi như tình hình cung vượt cầu, tồn kho vẫn ở mức cao, nhu cầu cao su suy yếu tại Trung Quốc, giá dầu thế giới giảm mạnh, thị trường chứng khoán thế giới đi xuống, tâm lý nhà đầu tư rút khỏi những tài sản rủi ro do những bất ổn xung quanh vấn đề thương mại giữa Trung Quốc – Hoa Kỳ.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch VRA cho biết, nhờ sự nỗ lực của toàn công đồng cao su Việt Nam, trong 10 tháng năm 2018 xuất khẩu cao su thiên nhiên ước đạt 1,21 triệu tấn với giá trị khoảng 1,66 tỷ USD, đơn giá xuất khẩu bình quân khoảng 1.368 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2017, xuất khẩu cao su thiên nhiên 10 tháng năm 2018 tăng 13,6% về lượng nhưng giảm 7,5% về giá trị, do giá giảm 18,6%.
Điểm tích cực là Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí thứ hai về năng suất vườn cây, thứ ba về sản lượng, thứ tư về xuất khẩu trên thế giới. Năm 2017, diện tích cao su của cả nước đạt 969.700 ha và sản lượng đạt trên 1 triệu tấn, có triển vọng đạt 1,1 triệu tấn trong năm 2018. Năng suất bình quân năm 2017 giảm nhẹ còn 1.676 kg/ha do giá cao su giảm, nông dân phải tìm cách giảm chi phí bằng cách áp dụng các chế độ cạo giãn ngày hơn, giảm phân bón và chăm sóc ít hơn, tăng tốc độ tái canh vườn cây. Tuy vậy, năng suất cây cao su tại Việt Nam vẫn duy trì mức cao nhất trong vùng trồng cao su châu Á. Đây là niềm tự hào của ngành cao su Việt Nam từ nhiều năm nay.
Theo VRA, xu hướng phát triển bền vững đang ngày một lan rộng trong ngành cao su. Vừa qua, 11 nhà sản xuất lốp xe lớn nhất thế giới – tiêu thụ hơn 70% lượng cao su thiên nhiên toàn cầu – đã cùng nhau cam kết phát triển bền vững và công bố chính sách thu mua nguồn nguyên liệu nông sản gắn liền với chứng chỉ bền vững.
Điều này đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp cao su thiên nhiên của Việt Nam cũng phải nỗ lực thay đổi theo hướng phát triển bền vững để duy trì thị phầu lâu dài và ổn định trong bối cảnh giá cao su luôn ở mức thấp trong nhiều năm qua. Việc thực hiện tốt phát triển bền vững sẽ tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng, cũng như cải thiện được năng suất và giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trên thực tế, ngành cao su Việt Nam cũng đang nỗ lực phát triển theo hướng bền vững, ổn định về diện tích, gia tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Đồng thời thúc đẩy sử dụng gỗ cao su là nguyên liệu thân thiện môi trường, giảm rủi ro về thị trường và biến đổi khí hậu với những mô hình trồng xen hoặc trồng kết hợp để đa dạng nguồn thu nhập, tăng cường trữ lượng các bon, giảm hoá chất, ít phát thải khí nhà kính…
Để đáp ứng xu thế mới trong chính sách mua bán toàn cầu của ngành cao su thế giới, trong những năm gần đây Hiệp hội Cao su Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế về phát triển bền vững, chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để cập nhật thông tin kịp thời cho hội viên cũng như giới thiệu những tài liệu hướng dẫn về phát triển bền vững và hướng đến xây dựng kế hoạch hành động cụ thể cho ngành cao su Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thuý Hoa, Trưởng ban Tư vấn phát triển ngành cao su – Hiệp hội cao su Việt Nam cho biết, trên cơ sở các chính sách của Chính phủ, ngành cao su Việt Nam đã đề xuất kế hoạch hành động vì ngành cao su bền vững gồm 6 giải pháp.
Theo đó, sẽ ổn định diện tích cao su ở mức 800.000 ha, đồng thời tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Tái cơ cấu ngành cao su để tăng cường giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đóng cửa rừng tự nhiên, ngưng khai thác gỗ rừng, không chuyển rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp. Giảm mất rừng và suy thoái rừng; bảo tồn, củng cố trữ lượng các-bon của rừng và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên rừng (chương trình REDD+), thử nghiệm và phát triển những mô hình cao su sản xuất cao su bền vững. Tăng cưởng khả năng cạnh tranh của cao su thiên nhiên Việt Nam và sản phẩm gỗ cao su bằng cách đảm bảo chất lượng và nguồn nguyên liệu được chứng nhận do các tổ chức uy tín. Và cuối cùng là phát triển theo hướng bền vững và đạt chứng chỉ quốc tế.
“Hiệp hội rất cần sự hợp tác và hỗ trợ tích cực của các bên liên quan để xây dựng kế hoạch hành động dài hạn với các giải pháp hiệu quả trong sản xuất và quản lý bền vững cho ngành cao su mà không xâm lấn rừng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất nguyên liệu và sản phẩm có trách nhiệm, cân đối cung cầu để làm cơ sở cho giá cả hợp lý cho cả người sản xuất và người tiêu dùng” – bà Hoa nói.
- Theo Báo Hải Quan ngày 08/12/2018 -
Mọi thông tin vui lòng liên hệ:
Ban Biên tập Mega Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 2-A2-IA20, KĐT Nam Thăng Long, đường Phạm Văn Đồng,
P.Đông Ngạc, Q. Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội, Việt Nam.
Email: contact@megavietnam.vn
Tel: (+84) 24 375 89089; Fax: (+84) 24 375 89098
Website: megavietnam.vn
Hotline: 1800.577.728; Zalo: 0971.023.523