THỊ TRƯỜNG NGÀY 5/7: GIÁ DẦU QUAY ĐẦU GIẢM, CAO SU XUỐNG THẤP NHẤT 3 THÁNG
Một số thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ trong ngày Quốc khánh 4/7 nên hoạt động giao dịch trên thị trường thế giới trong phiên vừa qua không sôi động. Nỗi lo kinh tế thế giới giảm tốc đã gây áp lực giảm lên hàng loạt các loại hàng hóa nguyên liệu, trong đó có dầu và kim loại.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VỀ NƯỚC ĐÓNG CHAI CHỨA HẠT NHỰA
BƯỚC ĐẦU TÌM RA CÁCH TÁI CHẾ NHỰA VÔ HẠN LẦN
PHÂN HỦY RÁC THẢI NHỰA TẠO RA DẦU DIESEL VÀ XĂNG
TÚI NY LÔNG BỌC THỰC PHẨM SỐNG: NGUY CƠ NHIỄM CHÌ
Dầu giảm
Giá dầu thô quay đầu giảm và lượng giao dịch không nhiều trong phiên thứ Năm (4/7/2019) do dự trữ dầu thô của Mỹ giảm ít hơn dự kiến và lo ngại kinh tế toàn cầu suy yếu.
Kết thúc phiên, dầu Brent kỳ hạn tháng 8/2019 giảm 52 UScent, tương đương 0,81%, xuống 63,30 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 54 UScent tương đương 0,94% xuống 56,89 USD/thùng. Khối lượng giao dịch ít vì là ngày Lễ Quốc khánh Mỹ.
Thị trường gần như không bị tác động bởi thông tin Thủy quân Hoàng gia Anh bắt giữ 1 tàu ở Gibraltar nghi là chở dầu thô Iran tới Syria, bởi căng thẳng giữa Iran và Mỹ đã bùng phát kể từ sau khi mấy tàu thủy bị tấn công ở Vịnh Oman.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết dự trữ dầu thô trong tuần qua của nước này giảm 1,1 triệu thùng, ít hơn nhiều so với mức dự đoán là giảm 5 triệu thùng. Điều đó có thể chứng tỏ rằng nhu cầu dầu ở Mỹ đang chậm lại do kinh tế yếu đi.
Vàng và các kim loại quý khác giảm do số liệu về chứng khoán và thất nghiệp Mỹ
Giá vàng giảm bởi các nhà đầu tư tranh thủ bán kiếm lời trước khi Mỹ công bố số liệu về tỷ lệ thất nghiệp trong các lĩnh vực phi nông nghiệp. Chứng khoán lên điểm cũng góp phần khiến cho vàng giảm giá.
Cuối phiên, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.414,21 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 7/2019 giảm 0,2% xuống 1.417,4 USD/ounce, còn kỳ hạn tháng 8/2019 kết thúc ở 1.420,9 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ xuống mức thấp nhất nhiều năm do đồn đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất sau kỳ họp tháng này, và các ngân hàng trung ương khác sẽ đồng loạt thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, đẩy chứng khoán thế giới lên mức cao nhất 18 tháng.
"Chúng tôi cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ giảm lãi suất vào cuối năm nay, có nghĩa là giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng", chiến lược gia hàng hóa của ngân hàng China International Global Commodities (UK), ông Xiao Fu cho biết.
Bảng phân tích kỹ thuật cũng cho thấy giá vàng giao ngay có thể chạm mức kháng cự 1.435 USD/ounce, sau đó tăng tiếp lên 1.443 – 1.456 USD, nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters cho biết.
Các kim loại quý khác cũng giảm theo vàng. Cụ thể, bạc giảm 0,2% xuống 15,26 USD/ounce, bạch kim vững ở 836,55 USD/ounce trong khi palađi giảm 0,7% xuống 1.560 USD/ounce dù phiên trước đó đã lập kỷ lục cao nhất 3 tháng là 1.574 USD/ounce.
Thị trường 5/7
Kẽm thấp nhất 2 tuần
Giá kẽm đã chạm mức thấp nhất 2 tuần do sản lượng kẽm của Trung Quốc tăng. Trên sàn London, kẽm giao sau 3 tháng giảm 1% xuống 2.425 USD/tấn, và vẫn có nguy cơ giảm tiếp, có thể lặp lại mức thấp nhất 5,5 tháng là 2.412 USD/tấn.
Kẽm đã mất hơn 30% giá trị từ mức cao chạm tới hồi đầu năm ngoái do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gây lo ngại nhu cầu sẽ sụt giảm, và thị trường có thể sắp chấm dứt tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Sản lượng kẽm tinh chế của Trung Quốc tháng 5/2019 đã tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 480.000 tấn. Sản lượng kẽm toàn cầu vào khoảng 13,5 triệu tấn mỗi năm.
Quặng sắt giảm mạnh
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc giảm mạnh trong ngày 4/7/2019 sau 5 phiên tăng liên tiếp - chạm mức cao nhất hơn 5 năm.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Đại Liên trong phiên vừa qua có lúc giảm 5,1% xuống 856 CNY (124,54 USD)/tấn, trước khi kết thúc ở 868 CNY, giảm 3,8% so với phiên trước.
Giá quặng sắt tại Đại Liên đã tăng gấp đôi trong năm nay do lượng quặng lưu giữ tại các cảng biển trên toàn Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2017, do xuất khẩu từ Australia và Brazil sụt giảm, trong khi nhu cầu tại Trung Quốc tăng lên. Dự báo giá quặng sắt sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi giá thép Trung Quốc cao kỷ lục nhiều năm.
Phân tích kỹ thuật cho thấy giá quặng sắt giao ngay có thể sẽ còn tăng tiếp lên chạm mức kháng cự 132,1 – 134 USD/tấn trong tuần tới. Một khi đã phá vỡ ngưỡng đó thì giá sẽ hướng đến mốc 147,5 USD/tấn. Ngày 3/7/2019, quặng sắt giao ngay tới Trung Quốc (hợp đồng tham chiếu) đạt mức cao nhất kể từ đầu 2014 là 126,5 USD/tấn.
Biến động thời tiết và một số vấn đề khác đã khiến công ty khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới - ở Australia – hạ mức dự báo về sản lượng và xuất khẩu trong năm nay, giữa lúc nguồn cung từ Brazil sụt giảm sau khi hãng sản xuất hàng đầu là Vale ngừng hoạt động. Tuy nhiên, từ tháng 6 thì xuất khẩu từ Australia và Brazil đã hồi phục dần.
Cao su giảm phiên thứ 3 xuống thấp nhất 3 tháng
Giá cao su trên thị trường Tokyo giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng do hoạt động bán mạnh bởi lo ngại nguồn cung dư thừa nếu nhu cầu sụt giảm do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn TOCOM giảm 1,9 JPY, tương đương 1%, xuống 182,7 JPY (1,69 USD)/kg.
Người phụ trách mảng nghiên cứu của Nissan Securities, Hiroyuki Kikukawa, nhận định, nếu giá giảm xuống dưới ngưỡng 180 JPY thì hoạt động bán tháo sẽ còn diễn ra mạnh hơn nữa.
Trong khi đó, giá cao su tại Thượng Hải tăng do giá dầu đi lên ở phiên liền trước. Hợp đồng giao tháng 9/2019 trên sàn này tăng 15 CNY lên 11.260 CNY (1.638 USD)/tấn, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ 2/4/2019 là 182 CNY/tấn.
Gạo Thái Lan và Việt Nam giảm, Ấn Độ tăng
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm xuống 330 – 335 USD/tấn, từ mức 340 – 345 USD/tấn tuần trước, vì đang thu hoạch vụ Hè Thu. Ngành gạo Việt đang hy vọng vào Hiệp định tự do thương mại với Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo Việt sang EU vẫn còn những hàng rào kỹ thuật và phải cạnh tranh với Thái Lan và Campuchia. Được biết, EU sẽ giới hạn nhập khẩu gạo Việt Nam ở 80.000 tấn mỗi năm.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm nhẹ xuống 395 – 413 USD/tấn, từ mức 395 – 415 USD/tấn tuần trước, do nhu cầu yếu, nhưng tỷ giá hối đoái vẫn cao nên giá không giảm mạnh.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tuần này tăng do đồng rupee mạnh lên và nhu cầu cũng hồi phục. Loại đồ 5% tấm tăng lên 371 – 374 USD/tấn, từ mức 369-372 USD/tấn tuần trước. Ấn Độ đã nâng giá thu mua gạo vụ mới (gạo tẻ thường) của nông dân thêm 3,7%.
Đường và cacao tăng
Thị trường nông sản New York không giao dịch trong ngày Quốc khánh nên không có giá cà phê robusta và đường thô mới.
Trên sàn London, cacao tăng giá do thiếu chắc chắn về thành công của Bờ Biển Ngà và Ghana trong việc ấn định giá cacao ở các hợp đồng kỳ hạn. Kết thúc phiên vừa qua, cacao kỳ hạn tháng 9/2019 tăng 40 GBP, tương đương 2,2%, lên 1.848 GBP/tấn.
Đường trắng giao tháng 8/2019 cũng tăng 0,1 USD tương đương 0,03% lên 320,3 USD/tấn. Ấn Độ thiếu mưa đang tác động tích cực lên giá đường. Tuy nhiên, thị trường đường thế giới vẫn có nguy cơ thừa cung.
Cà phê tăng giá
Giá cà phê robusta trên sàn London tăng 20 USD tương đương 1,4% lên 1.474 USD/tấn vào cuối phiên vừa qua do lo ngại sương lạnh ở nước sản xuất cà phê số 1 thế giới là Brazil.
Tại Việt Nam, giá cà phê tuần này vững trong bối cảnh giao dịch không sôi động vì người trồng cà phê đã bán gần hết số hàng dự trữ.
Nông dân ở Tây Nguyên chào bán cà phê nhân xô giá 35.000 đồng (1,51 USD)/kg, không thay đổi so với tuần trước. Trong khi đó, cà phê robusta 5% đen & vỡ giá cộng 90 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2019 trên sàn London, so với mức cộng 110 – 120 USD/tấn cách đây một tuần. Niên vụ cà phê 2018/19 sẽ kết thúc vào cuối tháng 9/2019, nông dân sẽ bắt đầu thu hoạch vụ mới từ tháng 10.
Trong khi đó tại Indonesia, cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào giá cộng 180 USD/tấn so với hợp đồng giao tháng 9/2019 trên sàn London, không thay đổi so với cách đây một tuần. Xuất khẩu cà phê từ Lampung trong tháng 6/2019 giảm 53% so với cùng kỳ năm trước, xuống 3.542,4 tấn.
Số liệu từ Ủy ban Cà phê Quốc tế cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 5/2019 tăng 19,4% so với một năm trước đó.
Mọi thông tin vui lòng liên hệ:
Ban Biên tập Mega Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 2-A2-IA20, KĐT Nam Thăng Long, đường Phạm Văn Đồng,
P.Đông Ngạc, Q. Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội, Việt Nam.
Email: contact@megavietnam.vn
Tel: (+84) 24 375 89089; Fax: (+84) 24 375 89098
Website: megavietnam.vn
Hotline: 1800.577.728; Zalo: 0971.023.523