10 LỖI THƯỜNG GẶP LỚN NHẤT TRONG THI CÔNG SƠN GỖ

10 LỖI THƯỜNG GẶP LỚN NHẤT TRONG THI CÔNG SƠN GỖ

10 LỖI THƯỜNG GẶP LỚN NHẤT TRONG THI CÔNG SƠN GỖ

Dưới đây là 10 lỗi cơ bản thường gặp trong thi công sơn gỗ, như chúng ta thấy một lỗi có thể xuất phát từ rất rất nhiều nguyên nhân khác nhau đòi hỏi chúng ta phải có kỹ năng và thông tin để xử lý. 

CÁC LỖI THƯỜNG GẶP KHI GIA CÔNG SƠN ALKYD
MỘT SỐ CHẤT XÚC TIẾN KIM LOẠI LÀM KHÔ MÀNG SƠN
NHỰA EPOXY LÀ GÌ VÀ QUY TRÌNH SẢN XUẤT NHỰA EPOXY
QUY TRÌNH SẢN XUẤT SƠN GỐC NHŨ TƯƠNG
MỘT SỐ PHỤ GIA CHỐNG LẮNG CHO SƠN

10 LỖI THƯỜNG GẶP LỚN NHẤT TRONG THI CÔNG SƠN GỖ

1. Bề mặt sơn nổi hột, nổi bong bóng li ti.

Hiện  tượng xảy ra đó là nhiều bong bóng li ti nổi trên bề mặt sản phẩm sau khi sơn. Đôi khi các thợ sơn thường mất nhiều thời gian nhưng không biết đâu là nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Thực ra có một số nguyên nhân cơ bản sau:

Thợ sơn pha sơn không đúng tỷ lệ quy định của nhà sản xuất dẫn đến lượng cứng (đóng rắn) bị dư. Trường hợp này được lý giải như sau: khi lượng đóng rắn dư so với tỷ lệ sơn cần pha sẽ làm màng sơn khô quá nhanh trong khi xăng không bay hơi ra kịp sẽ bị nổi bong bóng phía dưới lớp sơn.

Lỗi do súng phun sơn, khi sơn nhiều thợ không để ý để súng phun ra với lượng quá lớn gây nổi bọt bề mặt.

Lỗi thứ ba cũng là lỗi dễ gặp khi thời gian giữa lớp lót trong và lớp phủ quá gần nhau, làm cho bề mặt sơn không kịp thoát khí ra ngoài.

Lỗi do phun sơn quá dày, lớp sơn bề mặt đã khô trong khi lớp sơn bên trong chưa khô kịp không thể thoát khí ra ngoài.

Bề mặt gỗ có nhiều ghim gỗ mà xử lý lớp lót không kỹ dẫn đến vẫn còn lỗ bọt khí, khi phủ lớp sơn phủ lên trên thì xuất hiện bong bóng.

Trên thị trường hiện nay có bán loại ván có phủ lớp keo lên trên nhằm tiết kiệm một lớp lót, nhưng lớp keo này lại không được lót kỹ có nhiều lỗ rỗng, khi xả gỗ lại không kỹ nên khi phủ lên sẽ thấy bọt khí bên trong.

Dung môi công nghiệp pha sơn bay hơi quá nhanh làm khô bề mặt sơn, bọt khí không thoát ra kịp.

Nhiệt độ phòng sơn quá cao gây lỗi tương tự như trường hợp dung môi bay hơi nhanh.

2. Bề mặt sơn bị da cam.

Hiện tượng thường thấy là bề mặt sơn không căng min, bóng như bình thường mà có nhiều vết lõm chi chít như vỏ quả cam.

Nguyên nhân gây ra vấn đề này là:

- Dung môi bay hơi quá nhanh làm màng sơn không đủ thời gian để căng mặt.

- Phun hơi quá mạnh .

- Vấn đề kỹ thuật phun phủ và điều chỉnh súng phun lượng khí nhiều, khoảng cách quá xa.

- Nhà xưởng có nhiệt độ quá cao, khô rắn quá nhanh, chất sơn không lưu chảy bằng phẳng được.

- Dùng súng phun thổi khô bề mặt phủ, hạt nhỏ của chất sơn không chảy tỏa đầy đủ.

- Độ keo dính của chất sơn quá cao (pha quá đặc), hay một lần phun quá đầy.

- Chất sơn không khuấy trộn kỹ, ảnh hưởng đến tính chảy bằng của nó.

- Bề mặt không sạch sẽ có bám chất dầu, sáp hoặc chất khác.

- Môi trường làm việc có gió quá lớn.

- Tính chất sơn không đúng.

10 lỗi thương gặp khi thi công sơn gỗ

Ảnh: 10 lỗi gặp khi thi công sơn gỗ

>>> Xem ngay các hóa chất công nghiệp cho ngành sơn gỗ tại đây <<<

3. Sơn không khô:

Bình quân một sản phẩm sau khi sơn khoảng 2h trở lại thì khô hoàn toàn nhưng nhiều lúc bạn có thể gặp trường hợp sơn không khô, khi sờ tay vào thì màng sơn dẻo, dính.

Có nhiều nguyên nhân gây ra vấn đề này như sau:

Dung môi pha sơn không đúng, có lẫn nước trong đó, khi sơn lên dung môi bay đi nhưng nước vẫn còn ở lại trên bề mặt sơn làm sơn không thể chết được. 

Bề mặt sơn dính nước, tương tự như trường hợp trên, màng sơn sẽ không không thể khô được.

Pha đóng rắn quá ít, không đủ tỷ lệ để sơn chết đối với sơn 2 thành phần. Đối với dòng sơn 2 thành phần, muốn màng sơn chết phải đủ chất đóng rắn trong thành phần sơn, nếu thiếu chất đóng rắn thì sơn sẽ không khô hoặc rất lâu khô.

Pha nhầm chất đóng rắn của dòng sơn này với dòng sơn kia, ví dụ như trên thị trường hiện nay có dòng đóng rắn PU dành cho hàng sơn PU thường, đóng rắn

Đức (cứng Đức) dành cho hàng sơn màu, sơn trắng PU, đóng rắn 2K dành riêng cho hàng sơn 2K, nếu pha nhầm lẫn những đóng rắn này với dòng sơn khác cũng xảy ra hiện tượng sơn không khô được.

Sơn trong điều kiện nhiệt độ thấp, trời râm. Khi này nhiệt độ quá thấp xăng sẽ không bay hơi được dẫn đến màng sơn không khô mà dính ướt.

4. Sơn bị chảy.

Sơn có hiện tượng chảy loang trên bề mặt, thường gặp với việc sơn trên bề mặt đứng.

Dưới đây là những nguyên nhân chính:

  • Sơn lỏng, mặc dù nhiều thợ pha sơn theo hướng dẫn của nhà sản xuất, tuy nhiên hầu hết sơn phủ thường lỏng hơn sơn lót, do đó nếu pha theo tỷ lệ của sơn lót thì sơn sẽ bị lỏng hay dư xăng. Những thợ yếu tay nghề khi sơn thường bị chảy đặc biệc trên các bề mặt sơn có diện tích lớn.
  • Trường hợp thứ hai là do bạn phun quá dày, nếu trên mặt phẳng nằm ngang thì ổn, còn đối với các bề mặt đứng, chảy sơn là điều tất yếu.
  • Một lý do nữa là trường hợp bạn phun đè lớp sơn thứ hai lên lớp sơn thứ nhất khi chưa khô hẳn, làm lớp thứ hai bị chảy sệ.
  • Trường hợp cuối cùng có thể do súng sơn của bạn vặn quá lớn gây nhiễu, sơn phun thành tia nước chứ không còn là hơi nữa.

5. Màng sơn bị mốc.

Lỗi màng sơn bị mốc tưởng chừng ít gặp phải nhưng trong thực tế nó lại thường xảy ra. Có một số nguyên nhân sau:

  • Do chất lượng dung môi pha sơn quá thấp, một số nhà sản xuất vì lợi nhuận mà pha loãng dung môi, không thêm thành phần ngậm nước vào trong dung môi, dẫn đến khi phun lên bề mặt sản phẩm, xăng bay đi nhưng không ngậm nước được dẫn đến nước còn lại trên bề mặt sản phẩm và bị mốc.
  • Lý do thứ hai là do sơn trong điều kiện thời tiết âm u, độ ẩm trong không khí cao cũng dẫn đến hiện tượng tương tự.

6. Xuất hiện vệt sơn theo theo từng đường súng sơn.

Hiện tượng thường thấy sau khi để ráo sơn thì trên bề mặt sản phẩm xuất hiện từng vệt sáng vệt tối theo luống cày do súng sơn phun từng đường để lại.

Nguyên nhân do:

  • Nhiệt độ phòng sơn quá cao, dung môi bay hơi nhanh, dẫn đến có sự chênh lệch giữa đường sơn trước và đường sơn sau. Trong trường hợp này cần loại dung môi bay hơi chậm.
  • Thao tác với súng sơn không đúng, có sự chồng lấn giữa các đường sơn không đều nhau gây đường lằn sơn.

7. Màng sơn bị mờ.

Trường hợp màng sơn bị mờ do rất nhiều nguyên nhân gây nên, và hầu hết các thợ sơn có thể giải quyết được. Nguyên nhân chủ yếu do:

  • Không có phòng sơn dẫn đến bụi bẩn, mùn cưa, hay thậm chí là hạt sơn văng dính lên sản phẩm vừa mới sơn làm mờ bề mặt sản phẩm.
  • Thiếu cứng cũng là một nguyên nhân gây mờ, cứng là một thành phần có tác dụng làm bề mặt cứng, căng bóng, nếu thiếu sẽ làm bề mặt bị mờ.
  • Nếu dùng cứng (đóng rắn) của hàng mờ sử dụng cho hàng bóng cũng dẫn đến tình trạng mờ bề mặt sản phẩm.
  • Một vấn đề nữa là do xăng (dung môi pha sơn), nếu xăng bay hơi quá nhanh sẽ không thể làm tan đều bề mặt sơn dẫn đến sơn bị mờ.
  • Nhiệt độ phòng sơn cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn, nếu nhiệt độ cao sẽ làm bay hơi nhanh, màng sơn khô nhanh mà không kịp tan chảy.

8. Sơn bị nổi rộp, bong tróc sau khi khô.

Đây là những vấn đề rất khó giải quyết bởi có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này, có thể tìm hiểu một số nguyên nhân chính sau:

  • Nguyên nhân đầu tiên cần tìm hiểu đó là do không xả nhám kỹ trước khi sơn. Đây là nguyên nhân chính gây bong tróc sơn vì lớp sơn sau không thể bám vào bề mặt do quá nhẵn.
  • Khả năng thứ hai là do bạn xả nhám sạch nhưng lại để quá lâu trước khi sơn. Cụ thể thời gian tốt nhất để sơn là chậm nhất sau 48h sau khi sả nhám.
  • Lý do thứ ba ảnh hưởng đến việc bong tróc sơn do bề mặt gỗ bị dính bụi bẩn, dầu nhờn…làm sơn không thể bám chắc được, khi khô sẽ dễ bị rộp bọng nước.
  • Thứ tư có thể do tinh màu bạn pha vào lớp sơn phủ. Nhiều loại màu tinh khi pha vào với bóng, lượng keo trong tinh màu sẽ làm giảm hàm lượng đóng rắn trong hỗn hợp làm cho màng sơn bị tróc khi đã khô.
  • Nguyên nhân nữa có thể đáng lưu ý đó là lượng đóng rắn pha vào sơn nếu nhiều hoặc ít đều có thể gây ra vấn đề này.
  • Nguyên nhân cuối cùng có thể kiểm tra đó là do bản thân gỗ bị tươm dầu chẳng hạn như thông…Thường thì để xử lý các vấn đề tươm dầu cần sử dụng đến chất chống tươm dầu để ngăn không cho dầu tươm ra bề mặt gỗ.

9. Màng sơn bị nứt chân chim.

Hiện tượng dễ thấy là bề mặt sơn khi khô sẽ xuất hiện nhiều vết rạn nứt giống vết chân chim. Tuy nhiên có thể xác định được một số nguyên nhân sau:

  • Lý do đầu tiên dễ xảy ra nhất là thợ sơn không để ý dùng lớp lót thuộc hệ 1 thành phần trong khi lớp phủ dùng 2 thành phần, khi phủ lớp ngoài lên sẽ làm tan lại, lớp lót dẫn đến rất nhiều vấn đề như vết chân chim, sơn không khô hoặc thậm chí là bị tróc sơn.
  • Lý do thứ hai do lớp sơn lót chưa khô mà đã tiến hành phủ, gọi là ép sơn cho kịp giao hàng. Trường hợp này cũng gây vấn đề tương tự như trên.
  • Khả năng thứ ba là do xăng, có thể do xăng có vấn đề bay hơi quá nhanh làm khô cục bộ bề mặt sơn gây nứt sơn.

10. Độ bóng không tốt :

Chúng ta thấy màng phủ mù mờ không sáng bóng. Nguyên nhân của hiện tượng trên như sau:

  • Vật bị phủ sần sùi nhiều lỗ hoặc màng phủ chìm lún, hoặc có bám dầu, nước
  • Màng phủ lớp trên không đủ hoặc chỉ phun hơi vào mặt phủ, áp lực phun quá lớn, độ keo dính lại quá thấp.
  • Phòng phun độ khô thoáng khí kém, chất khí của dung môi bốc hơi đã ô nhiễm không khí, bạch hóa màng phủ.
  • Chất pha loãng chất lượng kém, chất dung môi điểm sôi thấp, khô quá nhanh.
  • Chưa khô hẳn mà tiến hành đánh bóng, hoặc sáp đánh bóng quá thô.
  • Tác nghiệp trong trường hợp độ ẩm cao, nhiệt độ thấp.
  • Ở vị trí chỗ phun dư hoặc ở vị trí chỗ bạch hóa màng phủ bị mờ

Trên đây là một số lỗi cơ bản thường gặp trong thi công sơn gỗ, như chúng ta thấy một lỗi có thể xuất phát từ rất rất nhiều nguyên nhân khác nhau đòi hỏi chúng ta phải có kỹ năng và thông tin để xử lý. Từ những thông tin khái quát phía trên chúng tôi hy vọng có thể giúp cho bạn đọc quan tâm có thêm thông tin, cũng như có thể giúp cho những thợ sơn PU mới vào nghề xử lý sự cố một cách nhanh chóng và chính xác.

>>> Xem ngay các hóa chất công nghiệp cho ngành sơn gỗ tại đây <<<

Mọi thông tin vui lòng liên hệ:

Ban Biên tập Mega Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 2-A2-IA20, KĐT Nam Thăng Long, đường Phạm Văn Đồng,

P.Đông Ngạc, Q. Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội, Việt Nam.

Email: contact@megavietnam.vn

Tel: (+84) 24 375 89089; Fax: (+84) 24 375 89098

Website: megavietnam.vn

Hotline: 1800.577.728; Zalo: 0971.023.523